Thời gian qua, nhiều tấm lòng thiện nguyện tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ những bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ở một ngôi tự nằm sâu trong khu vực nông thôn ở khóm 5, Phường 1, thị xã Ngã Năm, bà con phật tử nơi đây đã và đang cùng nhau góp công sức đã gói hàng ngàn bánh tét, bánh dừa… để gửi đến các tuyến đầu, nhất là các cơ sở y tế đang ngày đêm điều trị cho F0, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, khu cách ly y tế để mọi người sớm khỏi bệnh, hoàn thành cách ly, trở về nhà với gia đình.
Trong một góc của ngôi chùa Vĩnh Thạnh thanh tịnh, yên bình, người ta nghe tiếng bà con phật tử cùng sư cô ở đây nói về việc gói bánh để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Cô Nguyễn Thị Thà, phật tử chùa Vĩnh Thạnh nói với chúng tôi, cô tranh thủ dậy từ sớm để hoàn thành công việc nhà, rồi đến chùa cùng sư các Sư cô gói bánh. Ở đây, mỗi người làm một việc, từ nạo dừa, trộn nếp, rọc lá,… đến gói bánh, ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi, nhiệt tình, bởi bà con đã đóng góp một phần công sức cùng địa phương trong phòng chống dịch Covid-19. Hôm nay, chùa Vĩnh Thạnh sẽ gói 500 cái bánh lá dừa để gửi đến bà con khu cách ly, bệnh nhân cùng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tuyến đầu ở vùng tâm dịch huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Cô Nguyễn Thị Thà vui vẻ chia sẻ: “ Mỗi buổi sáng thì chị em chúng tôi đã có mặt rất sớm cùng nhau làm việc, hôm nào sớm thì cũng tầm năm giờ chiều, trể hơn nữa là bảy đến tám giờ tối mới làm xong. Chị em là thì ai cũng đều vui, tuy có mệt nhưng khi gửi cho bà con khó khăn và nhận được sự phản hồi của bà con khen bánh ngon là mình mừng lắm, rồi mệt mỏi tiêu tan đâu mất”.
Ngã Năm là thị xã nông nghiệp, vì vậy, đa số người dân địa phương nói chung và bà con phật tử chùa Vĩnh Thạnh nói riêng phát triển kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào ruộng rẫy. Do là vùng trũng, mùa nước lớn hiện nay đang ngập đồng, không sản xuất lúa mà chuyển sang nuôi trồng và khai thác thủy sản. Mưu sinh là vậy, nhưng hằng ngày bà con phật tử đều tranh thủ thời gian đến hỗ trợ chùa gói bánh đầy đủ.
Sư cô Thích Nữ Diệu Thanh - ở Chùa Vĩnh Thạnh, thị xã Ngã Năm, bày tỏ: “ Những tháng này, thì đồng nước mênh mong, không có làm ruộng rẫy được, nên ban đêm phật tử đi bắt ốc, bắt cá kiếm tiền còn ban ngày thì lại Chùa phụ giúp, ai cũng nhiệt tình vui vẻ”.
Sư cô Thích Nữ Diệu Thanh cùng phật tử đang gói bánh lá dừa gửi cho các khu điều trị Covid-19
Khó khăn là vậy, nhưng hơn ba tháng qua, góc nhỏ ở Chùa ngày nào cũng nhộn nhịp, những đòn bánh tét, bánh lá dừa còn nóng hổi, thơm lừng ngày nào cũng ra lò gửi đến tận tay người dân khó khăn trước dịch bệnh. Theo Sư cô Thích Nữ Diệu Thanh cho biết, những đoàn bánh tét, bánh lá dừa gửi đến tuyến đầu chống dịch, nhiều nhất là các cơ sở y tế đang điều trị F0 trên địa bàn tỉnh. Nguyên vật liệu gói bánh, được phật tử và Sư cô vận động từ mạnh thường quân tại địa phương. Tính đến nay, chùa Vĩnh Thạnh đã gói trên 2 tấn nếp với mỗi ngày hoàn thành từ 300 – 500 đòn bánh tét và hàng trăm cái bánh lá dừa,,.. tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương giữa con người với nhau.
Sư cô Thích Nữ Diệu Thanh - ở Chùa Vĩnh Thạnh, thị xã Ngã Năm, bày tỏ thêm: “ Mọi người ở đây rất là nhiệt tình, khi mà hết nguyên liệu thì người thì đi kiếm nếp, lá chuối, bẻ từng trái dừa,… cứ chở tới chùa. Mà mỗi lần phật tử đóng góp như vậy thì lòng thấy càng phải cố gắng nhiều hơn nữa; dẫu có mệt mỏi thì thì ngủ chút rồi thức dậy làm nữa, gói ngày và nấu cả đêm, thì mới được 500 đoàn bánh mỗi ngày để cho bà con khó khăn”.
Tiếng lành vang xa, nếu ban đầu chùa chỉ gói để phục vụ cho người dân ở tỉnh Sóc Trăng, đến nay những chiếc bánh lá dừa, đòn bánh tét còn được gửi tặng tận các bệnh viện lớn tại các tỉnh trong khu vực Nam Sông Hậu, như ở TP Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu để giúp bà con khó khăn thêm ấm lòng giữa lúc đại dịch.
Đồng chí Trần Thị Út - Chủ tịch Hội LHPN Phường 1, thị xã Ngã Năm, cho biết: “ Thời gian qua, phật tử Chùa Vĩnh Thạnh, đặc Biệt là Sư cô rất nhiệt tình trong việc gói bánh và để cho hội phân phát ở các xã, phường trên địa bàn thị xã để phòng chống dịch; ngoài ra, Sư cô còn gửi đi đến các vùng tâm dịch, khu vực phong tỏa ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là còn gửi cho các tỉnh bạn.”
“ Nhận và cho đi” là những tấm lòng của bà con Phật tử cùng Sư cô ở chùa Vĩnh Thạnh, một ngôi chùa nhỏ nhưng đầy ắp tình thương, sự san sẻ những khó khăn trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ./.